Trọn đời nghiên cứu học thuật Đỗ Anh (nhà Nguyên)

Năm Trung Thống đầu tiên (1260), có chiếu trưng Anh. Bấy giờ Vương Văn Thống đang nắm quyền, nên Anh từ chối không đi (vì Vương Văn Thống không được lòng các nhà nho đương thời). Tả thừa Trương Văn Khiêm làm Tuyên phủ Hà Bắc, tấu xin lấy Anh làm Đề cử học hiệu quan của các lộ Hoài Mạnh, Chương Đức, Đại Danh; ông lại từ chối, còn gởi thư cho những người cầm quyền, đại khái nói: “Đạo của tiên vương không được làm cho rõ ràng [4], khiến dị đoan tà thuyết gây hại cho nó; mà bọn chúng hoành hành buông thả, khiến ngàn dặm có nguy cơ mất đi [5]. Nay thiên tử thần thánh, hiền tài đông đúc, nói nghe kế dùng; nên lễ nhạc, giáo hóa của tiên vương muốn được chỉnh đốn khôi phục, chỉ có lúc này vậy. Ngay như văn thư mời gặp, chơi trò câu chữ vụn vặt, thì đời Hán, Đường còn không thèm làm thế; người cầm quyền xử lý sơ sài, sao cho xong việc, thật là đáng tiếc! Ôi cái gì bắt đầu tốt chưa hẳn sẽ kết thúc tốt, nay không thể tìm về nguồn cội, uốn nắn phong tục, chấn hưng giáo dục, để giải trừ cái tai vạ hàng trăm năm này, sợ rằng tệ nạn ngày sau sẽ không thể nói hết!” Việc làm này được hậu thế đánh giá rất cao, sử cũ gọi là Đỗ Anh di chấp chánh thư (杜瑛遗执政书).

Có kẻ khuyến khích Anh ra làm quan, thì ông nói: “Hậu thế cách đời xưa dẫu xa, nhưng việc làm của tiên vương, gốc – ngọn trước – sau, vẫn còn có thể tham khảo, nên người làm chính trị chẳng ai không bắt đầu từ việc phục cổ. Nhưng tùy tiện bắt chước tệ nạn cũ, để mong hợp với ý của tiên vương, chẳng khó làm ru! Tôi không thể tùy thời cúi – ngửa để nắm lấy cơ hội, sao mà làm quan!” Vì thế Anh đóng cửa viết sách, chẳng hề vì bế tắc – suôn sẻ hay được gì – mất chi mà lấy động ý chí, cứ thế nhàn nhã nghiên cứu học thuật, cho đến trọn đời.